Hành trình tạo nên “đế chế nhựa” nghìn tỷ của ông Phạm Văn Mười – bố ruột Minh Nhựa: Tay trắng đi lên nuôi cả gia tộc
Ông chủ thực sự, người đã gầy dựng và dành tâm huyết cả đời cho nhựa Long Thành là ông Phạm Văn Mười – bố đẻ của đại gia Minh Nhựa.
Nói đến nhựa Long Thành, hầu như mọi người và truyền thông chỉ nhắc đến cái tên đại gia Minh Nhựa cùng bộ sưu tập siêu xe hàng khủng đáng mơ ước và những lùm xùm quanh chuyện tình ái của anh.
Vì cái tên Minh Nhựa quá nổi bật nên công ty nhựa Long Thành cũng nghiễm nhiên được gắn liền với anh. Tuy nhiên, ông chủ thực sự, người đã gầy dựng và dành tâm huyết cả đời cho nhựa Long Thành là ông Phạm Văn Mười – bố đẻ của đại gia Minh Nhựa.
Minh Nhựa từng thẳng thắn thừa nhận, anh có được cuộc sống sung sướng, muốn gì có nấy, sở hữu những món đồ xa xỉ đều là do bố mình “cưng chiều” chu cấp cho. Chưa bao giờ ông Mười từ chối mong muốn gì của con trai, kể cả siêu xe hàng chục, hàng trăm tỷ.
Tuy nhiên để có được một cơ ngơi vững chắc, tiền đếm không xuể như bây giờ, gia đình của Minh Nhựa cũng từng trải qua quãng thời gian khó khăn, chật vật ở đất Sài Gòn.
Minh Nhựa từng chia sẻ “trước đây nhà tôi rất nghèo, lợp trên kênh quận 6 mà sống, nhà hỏng thì rơi xuống nước. Cửa nhà tôi luôn có những lỗ hở, khi tôi nghe tiếng ba về, tôi sẽ chạy ra đó để hí hí mắt dòm và tôi thấy sắc mặt ba tôi rất mệt mỏi. Nhưng khi mở cửa ra ba tôi lại khác”.
Nhưng rồi cơ duyên với ngành nhựa lại đến theo cách vô cùng bất ngờ, khiến cuộc đời của ông Mười và cả gia đình rẽ sang hướng khác.
Ông Phạm Văn Mười nhắc lại, trước kia hai vợ chồng ông không biết ngành nhựa là gì, lúc đó ở Sài Gòn, những đại gia ngành nhựa đều là của người Hoa, họ tạo ra rồi duy trì theo kiểu cha truyền con nối nên người ngoài khó lòng mà học được.
Bất ngờ có ngày, trong một buổi đi chơi với bạn bè, một người bạn là người Hoa của ông Mười vốn đang nắm giữ sản nghiệp nhựa lâu năm của gia đình gợi ý hỏi ông Mười có muốn làm nhựa không thì người bạn đó sẽ sang nhượng lại rồi sang Canada định cư.
“Ban đầu tôi nghĩ, giao lại cơ sở cho mình sao mình làm được, vì ngành này lạ quá, trước giờ cũng chỉ có người Hoa. Nhưng do người bạn đó nói hoài nên tôi về nói với vợ rồi quyết định bán hết số vàng có được để mua lại cơ sở của bạn mình”.
Vào nghề với hai bàn tay trắng nên trước khi người bạn đi định cư, ông Mười mới tất tả xinh sang học nghề, đi làm như công nhân, học từ những thứ cơ bản nhất.
“Ngành nhựa thời điểm đó toàn phế thải phế liệu chứ không nguyên sinh như bây giờ, nên hai vợ chồng phải đi qua quận 8 thu mua rác về để tái chế làm lại”.
Được một thời gian công việc dần đi vào ổn định, ông Mười cũng đã dần trang trải được trong ngành nhựa, trước đó chỉ làm bao bì, vì muốn sản xuất thêm đồ dùng bằng nhựa nên ông đã tìm đến công ty nhà nước mua lại máy ép cũ để dùng tạm, lúc thử thì chạy rất tốt, nhưng khi về đến nhà thì mở máy không chạy, mất 4 chỉ vàng.
Không bỏ cuộc, ông Mười lân la hỏi thăm, tìm hiểu thì biết lúc đó xung quanh những ai biết làm khuôn ép nhựa thì đều là người Hoa nên ông đã tìm đến để đề nghị họ làm cho mình.
Nhưng muốn người Hoa làm cho mình thì không hề đơn giản, ông Mười phải dậy từ lúc 5h sáng, đến tận nhà chờ thợ người Hoa dậy đánh răng, rửa mặt rồi chở đi ăn sáng, uống cà phê rồi chở về người ta mới chịu làm khuôn cho.
Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó, một số doanh nghiệp lớn của người Hoa biết ông Mười đang phát triển nên gây áp lực lên phía cơ sở làm khuôn, không cho cung cấp khuôn cho ông Mười, hoặc cung cấp thì chỉ làm ban đêm và lấy giá cao gấp đôi nhằm khiến ông Mười bỏ cuộc.
Thời điểm đó, ông Mười chỉ đưa ra thị trường được 2, 3 sản phẩm đơn giản. Được một thời gian thì ông Mười tự mua lại máy cũ nhưng liên tục hỏng hóc, có đêm phải sửa từ 3h khuya đến 7h sáng mới làm được.
Chưa kể dù làm ra được sản phẩm nhưng khi đi chào bán cho các đại lý rất khó khăn vì các công ty lớn gây sức ép với đại lý để họ không nhận sản phẩm của công ty ông Mười.
“Nếu bán hàng của cô chú họ sẽ cắt không cung cấp sản phẩm cho đại lý nên đại lý rất sợ. Chỉ bán một ca nước của cô chú mà họ phải mất đi 10 sản phẩm khác thì không ai muốn. Nên cô chú phải để giá cực thấp cho đại lý, công ty lớn để 5 đồng thì mình chỉ bán 3 đồng. Sản phẩm thì không được trưng bày, người ta ném lên chỗ cao và khuất, chỉ khi nào được khách hỏi nhiều thì đại lý mới chịu trưng ra bán”.
Nhưng nhờ hai vợ chồng ông Mười bền bỉ đi mời chào, chịu lỗ bán sản phẩm chất lượng hơn các công ty khác với giá thấp hơn nên sớm được người tiêu dùng biết đến và tin dùng rộng rãi. Với cách thức tương tự, ông Mười cũng đã mang được sản phẩm tâm huyết của mình đi xuất khẩu sang thị trường Nga và nhiều nước khác.
Nhưng đối với ông Mười và nhựa Long Thành thì dấu ấn lớn nhất làm nên tên tuổi và khiến ông Mười nhớ mãi đó là phi vụ làm ăn với Heniken, Tiger. Những năm 1990, một cán bộ kỹ thuật của Heniken đã tìm đến ông Mười và hỏi ông rằng liệu có dám đầu tư để hợp tác cùng Heniken không.
Vừa lúc ông Mười mua được mảnh đất ruộng rộng cách đó 3 ngày trên đất còn chưa có lấy một viên gạch. Nhưng vì ông biết mình phải nắm bắt cơ hội này nên đã lập tức vay mượn để xây xưởng, bãi và đầu tư máy móc và tạo nên lịch sử cùng Heniken từ đó đến bây giờ.

Hiện ông Mười vẫn trưng bày các két bia Heniken, Tiger trong nhà kỹ niệm để đánh dấu cột mốc quan trọng đã thay đổi cuộc sống của cả gia đình lẫn công ty mình.
Mặc dù bây giờ cuộc sống vô cùng dư dả, thuộc tầng lớp đại gia, con cháu dùng hàng hiệu, đi siêu xe, nhưng ông Mười vẫn mặc chiếc áo thun in tên công ty, miệt mãi mỗi ngày ở phân xưởng, sống giản dị, mộc mạc, chi tiêu dè xẻn với bản thân nhưng luôn hào phóng với con cháu, thậm chí lúc nhắc đến chuyện cũ vẫn còn rơm rớm nước mắt.
Ông từng rơi nước mắt khi được Minh Nhựa và cháu gái tặng chiếc xe hơi đời cũ mình từng rất ao ước nhưng vì tiết kiệm nên không dám mua.