“Ông trùm” THACO Trần Bá Dương – Từ thanh niên “vét mỡ bò” thành ông chủ “đế chế” Trường Hải tỷ USD: Người đầu tiên của Việt Nam sản xuất xe du lịch

Với hai bàn tay trắng, doanh nhân Trần Bá Dương đã tạo được một cơ đồ vô cùng đáng nể.

Nhắc đến THACO Trường Hải, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những chiếc xe tải, xe khách…hầm hố chạy ngang dọc, có showroom, gara với mạng lưới vô cùng dày đặc trên khắp các tuyến đường ở hầu hết các tỉnh thành của cả nước.

Tuy nhiên THACO Trường Hải lại không phải là “con gà đẻ trứng vàng” duy nhất của ông Trần Bá Dương, mà với hai bàn tay, doanh nhân này còn tạo được một cơ đồ vô cùng đáng nể.

Ông Trần Bá Dương sinh ngày 1/4/1960 tại Huế và lớn lên ở Đà Lạt và hiện ông Dương đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO).

Sinh ra trong một gia đình có tất thảy 7 anh chị em, ông Dương cũng từng trải qua một quá khứ, tuổi thơ cơ cực như hầu hết những người cùng thời.

Thời bao cấp, cha ông mất sớm, chỉ còn mẹ chăm lo cho các anh chị em ăn học, biết rõ hoàn cảnh khốn khó của gia đình nên ông Dương nuôi ý chí quyết tâm phải ăn học thành tài, nỗ lực để vươn lên, vượt khỏi cái nghèo đeo bám.

“Trước đây, gia đình tôi ở Đà Lạt. Cha mẹ từ Huế vào lập nghiệp, từ người làm rau, bán rau, sau ngày giải phóng, ba tôi bị bệnh qua đời, mẹ dắt díu anh em chúng tôi về Trảng Bom (Đồng Nai) làm rẫy.

Ngày đó vùng đất này nghèo nhất tỉnh Đồng Nai. Sau mỗi buổi học tôi vác cuốc vào rẫy phụ mẹ. Mẹ tôi không chỉ nuôi con ăn học mà còn giúp đỡ nhiều người. Nhưng bà có cách giúp rất lạ, ai khổ, bà không cho tiền, mà cho heo con để họ nuôi. Bằng việc này, bà giáo dục chúng tôi tính tự lập và ý chí tự cứu mình.”

Do đó, ông Dương đã tự lập, đi làm từ sớm để trang trải tiền học phí. Cố gắng bền bỉ cũng tốt nghiệp được tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM với tấm bằng chuyên ngành cơ khí ô tô.

Cầm tấm bằng đại học ra trường, ông Dương xin làm công nhân sửa ô tô tại một phân xưởng với công việc đầu tiên là “vét mỡ bò”.


Những tấm ảnh hiếm hoi của ông Trần Bá Dương thời còn “vét mỡ bò” (thuật ngữ) trong công xưởng ô tô.

Sau đó, nhờ thông minh, sáng dạ, ông Dương đã đề xuất nhiều dự án xuất sắc, thậm chí được Bộ GT-VT chấp nhận. Nhờ đó đã được Cty giao cho quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó ông có điều kiện tích luỹ và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 ông Dương xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình.

Cùng năm, nhờ việc kinh doanh phất lên và nhìn nhận được tương lai của ngành xe cơ giới, ông Dương đã thành lập Công ty CP Ô tô Trường Hải – đặt theo tên con trai duy nhất Trần Bá Trường Hải.


Ông Dương cùng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm nhà máy.

Tuy nhiên thời điểm đó, THACO chỉ nhập khẩu xe cũ đã qua sử dụng ở nước ngoài về nước tân trang, sửa chữa rồi bán lại. Nhờ giá rẻ, chất lượng tốt và có bán phụ tùng thay thế nên số lượng xe bán ra ồ ạt khiến doanh nghiệp của ông Dương ngày càng phát lên.

Đến năm 2000, ông Dương móc nối với hãng KIA mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu người muốn mua xe mới, sau đó, tiếp tục bắt tay với các hãng Mazda và Peugeot.

Học hỏi, tích lũy kinh nghiệm dần, năm 2001, ông Dương chính thức tung ra dòng xe tải hạng nhẹ đầu tiên mang tên THACO và đã được thị trường đón nhận nhanh chóng. Đồng thời mở nhà máy lắp ráp quy mô lớn tại Chu Lai vì theo ông Dương, con người ở Chu Lai sống trong môi trường đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên rất chịu khó làm việc và rất sáng tạo, gắn bó lâu dài, phù hợp với ngành cơ khí và ô tô.

Sau đó, ông Trần Bá Dương chính thức ghi tên mình trở thành người đầu tiên tại Việt Nam sản xuất xe du lịch, sau đó là xe tải…đưa những chiếc xe mang tên THACO chạy khắp các nẻo đường Việt Nam.

Đồng thời, Trường Hải sau đó cũng đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có 100% vốn trong nước sản xuất và lắp ráp xe du lịch, có hàng nghìn đại lý trải dài khắp cả nước với những mặt tiền đắt giá.

Không chỉ là người đi đầu ngành công nghiệp ô tô trong nước, ông Dương còn có công rất lớn mang ngành sản xuất ô tô của Việt Nam vươn tầm thế giới với việc xuất khẩu nhiều sản phẩm xe bus, xe tải, xe du lịch sang các nước ASEAN và thế giới.

Năm 2008, được một công ty của Singapore rót đến 77 triệu USD để mua cổ phần THACO, ông Dương đã mạnh tay mở rộng thị trường và chính thức vượt mặt Toyota để trở thành doanh nghiệp bán nhiều xe nhất trên thị trường Việt Nam, và duy trì vị thế suốt từ đó đến nay.

Từ thành công vang dội của THACO và đã có nền móng vững chắc, ông Dương bắt đầu vươn tay sang lĩnh vực bất động sản với tập đoàn Đại Quang Minh nhờ “cơ duyên” nhận được lời mời gọi của UBND Thành phố đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau đó, hạ tầng mà Đại Quang Minh của ông Dương đã rót hàng chục nghìn tỷ thực hiện như hệ thống đường bộ và cầu Thủ Thiêm 2 đã tạo ra giá trị rất lớn cho Thủ Thiêm, đưa khu vực này trở thành một trong những khu đắt giá nhất tại TP.HCM.

Năm 2020, ông Dương được xếp thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thời gian gần đây, tên tuổi ông Dương lại càng được hâm nóng khi “ra tay” giải cứu 2 đại gia là “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đầu tư thuỷ sản, chăn nuôi heo; và rót vốn nhằm vực dậy HAGL Agrico của bầu Đức, tuy nhiên cũng đã kết thúc đầu tư sau 2, 3 năm hợp tác.